A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Dây tóc phát sáng' trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

GD&TĐ - Nghệ thuật xây dựng nhân vật là thước đo tài năng của người nghệ sĩ. 

Chí Phèo trong một cảnh phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh minh họa: IT

Chí Phèo trong một cảnh phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ảnh minh họa: IT

Trong các yếu tố đó phải kể đến các chi tiết nghệ thuật, bởi nói như nhà văn Sê-khốp chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Giọt nước mắt của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao là một chi tiết có ý nghĩa sâu sắc, góp phần làm nên giá trị của thiên truyện này.

Chí Phèo là một trong những truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. Để phản ánh hiện thực cuộc sống của người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng thời tỏ lòng cảm thông sâu sắc đối với những người “dưới đáy xã hội”, trong tác phẩm của mình Nam Cao đã xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật điển hình để lại dấu ấn khó quên trong lòng độc giả: Nhân vật Chí Phèo.

Nhắc đến Chí Phèo là nhắc đến chuỗi say vô tận. Từ đầu đến cuối tác phẩm cái tên Chí Phèo luôn đi liền và gắn chặt với hành động say. Cụ thể là say rượu. Và “say” ở đây đã trở thành một thông điệp, một kí hiệu học để Nam Cao xây dựng nên một nhân vật chính cho ra mắt bạn đọc. Chí Phèo say và say như thế nào, làm gì, ở đâu, đọc tác phẩm hẳn ta sẽ rõ. Nhưng điều đáng nói ở đây là qua hành động say, qua hành động rạch mặt ăn vạ hình như đã trở thành căn bệnh “thâm niên” của Chí ta vẫn bắt gặp được vẻ đẹp trong bản chất của một con người vốn là lương thiện.

Tìm về bản chất lương thiện ấy, người đọc phải dừng lại những dòng chữ Nam Cao miêu tả nhân vật, chẳng hạn: Lúc đi làm thuê bị bà Ba gọi vào xoa bóp, hay khi tỉnh rượu nhận và đón bắt âm thanh cuộc sống bên ngoài, hoặc qua ước mơ ngày nào của người nông dân “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…”. Nhưng có lẽ, theo tôi giọt nước mắt và tiếng khóc của Chí Phèo là chi tiết đặc sắc hơn cả, giúp ta tìm về và hiểu rõ hơn bản chất nhân vật. Đây cũng là chi tiết nghệ thuật làm nổi bật hai tính cách thuộc thời quá khứ, hiện tại và cùng đồng hiện ở trong Chí Phèo. Qua chi tiết này phần nào thể hiện tấm lòng nhà văn.

Lần theo tác phẩm, bản chất lương thiện của nhân vật càng được bộc lộ. Lần đầu là tỉnh rượu và chao ôi là buồn, tiếp đó cảm thấy mình cô độc và tiếp theo là mắt hình như ươn ướt rồi ôm mặt khóc rưng rức và kết quả là rạch mặt Bá Kiến thể hiện khát vọng của mình.

Đọc đoạn trích Chí Phèo ở sách giáo khoa 11 chúng ta thấy có hai lần Chí khóc. Có thể nói, giọt nước mắt, tiếng khóc của Chí Phèo là một dấu hiệu để Nam Cao thể hiện bản chất lương thiện ở nhân vật này và góp phần tạo nên giá trị của tác phẩm.

'Dây tóc phát sáng' trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ảnh 1

Tác phẩm “Chí Phèo”. Ảnh minh họa: I

Lần khóc thứ nhất

Chí Phèo sau khi uống rượu ở nhà Tự Lãng không về túp lều của mình mà ra thẳng bờ sông. Ở đó, Chí Phèo đã gặp Thị Nở - một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng – ra sông kín nước rồi ngủ quên... Trong khung cảnh nên thơ hữu tình, trăng lấp lánh trên mặt sông, gió thổi mát rượi và những tàu lá chuối “giãy đành đạch như hứng tình”, cùng với hơi men của rượu đã đưa đến một mối tình của hai con người đáng thương Chí Phèo - Thị Nở. Sau đêm trăng gió ấy, Chí bị cảm. Thị thương tình, sau một lát trằn trọc, Thị chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành cho Chí.

Khi hắn đang nằm ốm thì Thị Nở vào, mang nồi cháo hành còn nóng nguyên. Nhìn cháo hành, Chí rất ngạc nhiên và thế là “hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên Chí khóc kể từ khi đi vào cõi say triền miên, không dứt. Qua giọt nước mắt cho thấy Chí Phèo là một con người rất “người”.

Trước hết, đó là giọt nước mắt sinh lí. Bởi bát cháo hành Thị Nở mang qua còn bốc khói. Chính hơi hành cay bay vào mắt làm đôi mắt Chí ươn ướt. Quan trọng hơn cả, đây là giọt nước mắt của niềm xúc động; giọt nước mắt của sự cám ơn, trả ơn. Thì ra, Chí cũng có những giây phút “mềm lòng”, yếu ớt như ai. Giọt nước mắt này không chỉ là kết quả của sự cô đơn, khổ đau lâu ngày mà còn là giọt nước mắt vui sướng của một kẻ chưa biết sướng là gì! Và giọt nước mắt ấy có thể là dấu hiệu bước đầu khép lại chuỗi tội lỗi và hé mở, hay nói cách khác là làm sống dậy bản chất lương thiện vốn có, ẩn sâu trong tiềm thức Chí.

Nhìn bát cháo hành mắt Chí Phèo “ươn ướt”. Bát cháo hành - biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại những nơi khô khát yêu thương. Bát cháo hành chan chứa tình người. Một tình người rất thật, rất hồn nhiên, vô tư. Nó chỉ đơn giản là bởi Thị thấy Chí bị “thổ một trận nhọc” mà không có ai chăm sóc và Thị nghĩ đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà.

Suy nghĩ đơn giản nhưng thật đáng quý, đáng trọng làm sao! Thị Nở xuất hiện cùng với bát cháo hành thổi bùng lên khát vọng yêu thương mà chưa một lần Chí được hưởng. Nam Cao để cho nhân vật độc thoại nội tâm bằng hình thức hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời. Chí nhớ lại những tháng ngày làm thuê cuốc mướn cho nhà Bá Kiến, bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân, lúc đó hắn thấy nhục, vừa bóp vừa run. Bát cháo hành của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?

Nhìn bát cháo hành của Thị Nở, hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Ươn ướt chứ chưa khóc thành tiếng. Phải chăng khi khắc họa chi tiết này nhà văn có một trình độ hiểu biết uyên thâm về tâm lý của kiếp người bần cùng, khốn khổ. Chí rơi nước mắt có thể và Chí đang đói, đang khao khát được ăn, nhưng hơn cả là vì hắn cảm động trước cử chỉ “âu yếm” của một người đàn bà mà lâu nay hắn chưa một lần được “ân huệ” ấy.

Qua việc miêu tả thái độ ngạc nhiên và đôi mắt hình như ươn ướt của Chí Phèo, Nam Cao dẫn dắt người đọc khám phá ra phần người trong bề sâu của nhân vật. Thực ra, dù trải qua quá trình tha hóa, Chí vẫn không hoàn toàn ráo hoảnh, tâm hồn không đóng băng. Trượt dài trên nẻo đường nơi cái làng Vũ Đại có Bá Kiến biết mềm nắn rắn buông, chất người không thể mất đi trong Chí. Nam Cao khơi cái ngọn lửa của phần người còn sót lại trong Chí, đánh thức ở bạn đọc sự đồng cảm và xót xa.

Nhận bát cháo từ tay Thị mà hắn “ngạc nhiên và xúc động”. Con quỷ dữ từng làm đổ máu và nước mắt biết bao người dân lương thiện nay thấy “mắt mình ươn ướt” bởi đây là lần đầu tiên Chí không phải dọa nạt hay cướp giật mà vẫn được người khác cho ăn. Chí ăn cháo và thấy cháo hành ăn rất ngon. Hương vị cháo hành hay hương vị của tình yêu thương chân thành, cảm động, của hạnh phúc giản dị mà thấm thía, lần đầu tiên Chí Phèo được hưởng.

Bát cháo hành - vị thuốc giải độc của cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, nó còn là tình người duy nhất đã thức gọi phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ làng Vũ Đại”. Trượt dài trong những cơn say, chưa bao giờ Chí thức tỉnh. Chính hành động, nghĩa cử mộc mạc mà ân tình của người đàn bà dở hơi nơi làng Vũ Đại đã kéo Chí ra khỏi vực thẳm, để rồi từ ăn năn hối lỗi, Chí bỗng thèm lương thiện! Hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Chính Thị Nở là phao cứu sinh, là cây cầu đưa hắn về cuộc đời lương thiện.

Trong đôi mắt ươn ướt ấy là khát vọng hoàn lương, hòa nhập với cuộc đời. Khuôn mặt và đôi mắt của Chí bây giờ khác với cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết của hắn trước đó. Lần đầu tiên Chí Phèo mắt ươn ướt và cười cái cười nghe thật hiền. Trước sự chăm sóc mộc mạc, chân thành của Thị Nở, giờ đây Chí Phèo mới trở lại là mình, Chí rưng rưng khi trở về với cuộc sống con người. Chí tha thiết và khao khát sống lương thiện. Rõ ràng chính tình người đã cứu được tính người.

Cái đôi mắt ươn ướt đó của Chí ấn tượng với người đọc, người nghe. Với người khác, điều đó thật bình thương, nhưng với Chí thì tạo được sự chú ý. Bởi lẽ, trước đây, muốn có chai rượu nhúm muối hay quả chuối xanh, hắn đều phải giành giật từ tay kẻ khác. Bây giờ lại có người thương yêu cho hắn bát cháo trong lúc hắn đang yếu. Cái bát cháo tình nghĩa đã giúp Chí nhận thức được một điều có ý nghĩa sâu xa: Cái đau khổ lớn nhất của con người, đâu phải chỉ là chuyện đói cơm rách áo, mà là sự cô độc thiếu thốn tình thương. Chí Phèo thấy nao nao buồn (Hà Minh Đức).

Lần khóc thứ hai

Nếu lần thứ nhất, mắt Chí “ươn ướt” bởi hành động cho cháo của Thị Nở thì đến đây, trước sự bội bạc và hành động dứt tình của “người yêu”, Chí Phèo không còn ươn ướt con mắt nữa mà bật khóc lên thành tiếng. Nam Cao viết: “Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rung rức…”. Như vậy, khác các lần trước, lần này Chí càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng thấy buồn và “hắn ôm mặt khóc rưng rức”.

Trong cõi say triền miên của cuộc đời, Chí khóc, tiếng khóc cất lên như xé tan cõi mộng, phá tan cái mông lung, cái mập mờ trong chuỗi say vô định. Từ trong “tiếng khóc rưng rức” nghe có vẻ “vô tư” ấy người đọc cảm nhận được nỗi day dứt, uất nghẹn từ trong cổ họng. Chí khóc cho số phận khổ đau của mình. Chí khóc cho mối tình bạc bẽo. Khóc cho cuộc đời khốn khổ đắng cay. Khóc vì xã hội thực dân phong kiến thối nát, bất nhân.

Tiếng khóc lần thứ hai này lại một lần nữa nối tiếp vào giọt nước mắt ươn ướt thứ nhất, trở thành một thông điệp, một ký hiệu khám phá ra bản chất lương thiện của người nông dân. Đến đây, qua tiếng khóc “rưng rức” này, người đọc không còn cảm giác sợ sệt mà tiến lại gần “con quỷ dữ ở làng Vũ Đại” vốn tác oai tác quái một vùng để rồi cùng cảm thông và chia sẻ, bởi lẽ Chí cũng là một con người như bao con người khác.

Biết yêu, và khi bị người yêu phụ lại buồn, lại sầu và tức tưởi, căm hờn. Đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố ta thấy khi bán con, xa con chị Dậu đau đớn đến rơi lã chã hai hàng nước mắt, nhưng nước mắt của chị Dậu là thứ nước mắt thường tình bởi đó là nỗi đau của tình mẫu tử thiêng liêng nằm trong nguồn tình cảm của cuộc sống con người. Còn tiếng khóc của nhân vật Chí Phèo có cái gì đó rất “lạ” và rất “riêng”, và chính “cái lạ”, “cái riêng” này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên một Chí Phèo điển hình của Nam Cao.

Tiếng khóc của Chí Phèo phải chăng thể hiện sự bất lực, vô vọng của người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, bần cùng hóa. Hay đó cũng là tiếng khóc phản ứng, bất bình và phẫn nộ cái xã hội thực dân phong kiến đày đọa con người, đẩy người nông dân vào con đường bế tắc, không lối thoát. Người đọc thật sự xót xa, đồng cảm với Chí, với kiếp người nông dân như Chí. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã lóe sáng như một tia chớp, một dây tóc phát sáng trong chuỗi ngày tăm tối, mất ý thức triền miên, dằng dặc của Chí Phèo.

Lòng yêu thương, cái tình người cảm động, bản tính hiền lành lương thiện đã thức dậy, đã hồi sinh trong Chí Phèo. Vậy mà bà cô Thị Nở lại ngăn cản, lại cắt đứt con đường trở lại cuộc đời làm người, đóng ngay cánh cửa hoàn lương vừa trở về trong Chí. Cái định kiến xã hội ấy thật hẹp hòi, ích kỉ. Tiếng khóc của Chí cất lên trong vô vọng, trong niềm đau, niềm ấm ức. Và vì lẽ đó, tiếng khóc ấy như một nhát dao, một tiếng chửi đánh thẳng vào xã hội, một xã hội đã cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính của con người. Dù chỉ một lần thôi, một người nông dân chất phác đã bị biến chất thiết tha cầu khẩn được một bàn tay sưởi ấm tình người cũng không được, đã bị từ chối để rồi cuối cùng lại đẩy người ta vào con đường tuyệt vọng.

Và cao hơn cả, trong tiếng khóc ấy ta như nghe được nhịp đập của một trái tim – một trái tim thổn thức, một nỗi đau xót xa và một tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.

Theo nguồn: https://giaoducthoidai.vn/day-toc-phat-sang-trong-truyen-ngan-chi-pheo-cua-nam-cao-post613677.html


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội