A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THẠCH LAM: NHÀ VĂN VỚI NHỮNG CHÂN CẢM DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua song những người yêu văn chương vẫn không quên một dáng hình bước nhẹ nhàng vào làng văn học Việt Nam hiện đại. Thạch Lam mang đến làn gió mới với ngòi bút vô cùng điềm tĩnh, tỉ mỉ từ những điều rất nhỏ, rất đời.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'Thạch Lam: Nhà văn với những chân cảm cảmdành dành cho người dân nghèo'

Tác phẩm của ông chảy một dòng riêng biệt với các trang viết trong trẻo, nhẹ nhàng. Không dữ dội như Ngô Tất Tố, không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, ngòi bút Thạch Lam tái hiện cuộc sống qua những điều nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn.

Văn phong Thạch Lam là một nốt trầm nhẹ nhàng mà tinh tế

Tác phẩm của ông dù mang đậm tính hiện thực song vẫn man mác chất trữ tình thuần hậu, thiên về khai thác nội tâm con người, không gân guốc, đao to búa lớn mà luôn kín đáo, thâm trầm như một khúc tâm tình.

Thạch Lam thường nói tới cái đẹp, vẻ đẹp của buổi trưa vắng vẻ dưới bóng hoàng lan ở làng quê, ban mai yên bình tại một xóm nhỏ miền Trung du, đặc biệt hơn là vẻ đẹp nhân hậu, đằm thắm trong tâm hồn con người.

“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” – Tiểu luận Theo dòng

Đặc điểm đáng nhớ nhất trong văn chương Thạch Lam là những cảnh buồn man mác. Ngòi bút ông thường nhạy cảm một cách lạ lùng, phố huyện dần thiếp đi trong ánh sáng ngọn đèn dầu leo lét, điệu hát Xẩm vang lên nơi xóm nhỏ, ngày Tết thôn quê sơ sài, đạm bạc.

Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, nhiều truyện ngắn của Thạch Lam không có chuyện mà nhẹ nhàng như bài thơ, đem đến cảm giác nhẹ nhõm và dịu dàng. Chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn, gợi lên biết bao suy nghĩ về cảnh đời, cảnh người.

Hai đứa trẻ là điển hình cho phong cách văn học này của Thạch Lam, tất cả chỉ là những câu chuyện lặp đi lặp lại nơi phố huyện. Vẫn cảnh vật, con người như thế, một gánh hàng phở, gánh hàng nước, bà già nghiện rượu và hai chị em bé Liên chờ đợi chuyến tàu kỳ lạ.

Thạch Lam sở hữu lối văn chương tinh tế và gọn ghẽ, vì vậy tạo được sức gợi rất lớn. Chỉ với một vài câu từ đơn giản mà tác giả có thể giúp người đọc cảm nhận được gió mùa đông đột ngột ở Gió lạnh đầu mùa, buổi chiều buồn man mác trong Hai đứa trẻ.

“Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi. Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.” – Gió lạnh đầu mùa

Thông qua những điều hết sức giản dị, Thạch Lam muốn khẳng định vẻ đẹp và phẩm chất con người, bày tỏ cái nhìn lạc quan vào cuộc sống. Các truyện ngắn giàu chất thơ của ông giúp người đọc phát hiện ra từng nét đẹp lẩn khuất giữa hiện thực đầy nghiệt ngã.

Giá trị nhân đạo thể hiện qua ngòi bút Thạch Lam

Khi nhận xét về giá trị những truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã cho rằng xúc cảm của nhà văn thường bắt nguồn nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo.

Độc giả không khỏi đau xót khi chứng kiến cảnh Nhà mẹ Lê khốn khó với mười một đứa con thơ nheo nhóc. Bức tranh hiện thực hiện lên qua mấy trang văn ấy cũng sắc sảo không kém bất cứ tác phẩm nào viết về cái đói, cái khổ.

Ông cũng hướng ngòi bút tới khám phá cuộc sống nơi phố huyện, cảm nhận được cái lạnh lẽo của những cơn gió đầu đông và nỗi khốn khổ của bé Hiên không có áo ấm, đau lòng trước cảnh người mẹ ngày ngày đi mò cua, bắt ốc chẳng kiếm nổi cho con tấm áo.

Sự đối lập đáng sợ giữa ánh sáng và bóng tối đã thể hiện được cuộc đời của Liên, An, chị Tí, bác Siêu, bà cụ Thi. Tương lai họ chẳng khác gì ngọn đèn dầu leo lét trước gió, những xúc cảm của nhà văn đã đem đến sự day dứt trong mỗi chúng ta.

Viết về tầng lớp dân nghèo, Thạch Lam không chỉ quan tâm tới nỗi khổ vật chất mà đối với ông, đáng sợ nhất chính là sự xói mòn về tâm hồn. Phải sống trong cảnh tù túng, bế tắc khiến cuộc đời con người trở nên bi kịch hơn rất nhiều.

Nếu Nam Cao vang danh với các tác phẩm về người nông dân, tri thức tiểu tư sản thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút vào cuộc sống cơ cực của những người dân nghèo phải mưu sinh ở thành thị. Khám phá tinh vi về nội tâm giúp ông thành công khi khai thác khía cạnh này.

Thạch Lam suốt đời tâm huyết với văn chương, đem trái tim mình đặt lên trên hết, thổi vào đó những giá trị nhân văn để nó luôn sống mãi. Do đó, Thạch Lam xứng đáng với lòng yêu quý và trân trọng của mỗi độc giả, xứng đáng với thiên chức người nghệ sĩ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội