A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

 

GD&TĐ - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và là người ký ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai giảng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngày 4/9/2014.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai giảng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngày 4/9/2014.

Người khởi xướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu giữ trọng trách Tổng Bí thư, cũng là thời điểm ngành Giáo dục chuẩn bị cho Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo (GD-ĐT).

Năm 2012, tại buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Bộ GD&ĐT ở cương vị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, từ ngày lập nước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ trong điều kiện còn thấp kém so với thế giới lại có được một nền giáo dục phát triển cả về quy mô, mạng lưới, phong phú các loại hình đào tạo, đội ngũ giáo viên hùng hậu, quan hệ quốc tế phát triển như vậy.

Không chỉ quy mô, số lượng trường phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mà còn có những chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc…

Ghi nhận kết quả ngành Giáo dục đạt được, Tổng Bí thư khi đó đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế của GD-ĐT và nhấn mạnh: Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội… Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể. Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục...

images645887_IMG_0994.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT ngày 17/8/2012.

images645889_IMG_1011.jpg

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc ngày 17/8/2012.

Ngay từ khi đó, Tổng Bí thư đã lưu ý cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn; làm rõ nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phải chăng là đổi mới từ tư duy, mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục, cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, loại hình giáo dục, rồi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới... Tổng Bí Thư đồng thời nhấn mạnh, cần hình thành một triết lý về giáo dục, chú ý phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, coi đây là nền tảng lý luận để tiến hành đổi mới giáo dục…

Một năm sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29). Nghị quyết được đánh giá là toàn diện, có nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam; tác động sâu rộng tới các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân.

1.png

2.png

Thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, GD-ĐT nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong đó, nổi bật là chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới GD-ĐT.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

GD.jpg

10 năm đổi mới căn bản, toàn diện, GD-ĐT đạt được nhiều kết quả, trong đó có dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một dấu ấn nổi bật là việc ban hành và tổ chức triển khai Chương trình GDPT 2018, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Triển khai một chương trình, nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm đại học tốt nhất khu vực châu Á và thế giới.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng…

Những kết quả nói trên có dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong1.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh, sinh viên tiêu biểu ngày 3/1/2018.

Quan tâm giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ, các học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Năm 2018, trong cuộc gặp gỡ những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 – 2018, Tổng Bí thư ghi nhận tinh thần nỗ lực, cố gắng học tập của các học sinh, sinh viên; dù mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, mỗi người có thuận lợi khó khăn riêng nhưng đều có điểm chung là tinh thần nỗ lực, ham học tập, học giỏi, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.

Gửi gắm tới học sinh, sinh viên, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý tới việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài. Trong đó, đức phải là gốc, là trước hết. Tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là “nguyên khí quốc gia”.

Tổng Bí thư đề nghị ngành Giáo dục chú ý thêm về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên; từ cách ăn, ở, đối nhân xử thế hàng ngày với anh em, bạn bè, tới trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang tài năng phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước. Cùng với đó là nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên.

Dịp này, Tổng Bí thư cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để xây dựng nền giáo dục của nước ta ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong2.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà lưu niệm cho các em học sinh, sinh viên tiêu biểu (trong ảnh là em Ngô Minh Hiếu, khi đó là học sinh lớp 11 A6, Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa, nêu tấm gương sáng về lòng nhân ái, nhiều năm cõng bạn bị khuyết tật đến trường).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022- 2027, sáng 15/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề; trong đó trước tiên là việc tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước ta thực sự "vừa hồng vừa chuyên", như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Bản thân mỗi thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; khẳng định rõ thế hệ trẻ hôm nay sẵn sàng kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của cha ông, ý chí tự lực, tự cường của Dân tộc, quyết tâm góp sức xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong3.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ với các học sinh, sinh viên tiêu biểu.

Người học trò trọng ân tình

Dù đã giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn hướng về những ngôi trường, nơi mình từng học tập, trưởng thành. Khi thăm trường, Tổng Bí thư luôn giản dị, khiêm nhường với vai một học trò cũ trở về.

Sáng 4/9/2014, Tổng Bí thư dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội). Đây là ngôi trường Tổng Bí thư từng học tập những năm 1957-1963.

Đánh trống khai giảng năm học, Tổng Bí thư đồng thời hồi tưởng lại ký ức thuở học trò, khi "trường còn mái nhà tranh, sân đất" và gửi lời tri ân "Chúng tôi biết ơn thầy cô, ông bà bố mẹ và không bao giờ quên một thời thanh niên sôi nổi".

Năm 2020, Tổng Bí thư lại một lần nữa về thăm trường cũ, nhân dịp nhà trường kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Chia sẻ Vtcnews, thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều nhớ lại kỷ niệm khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn xưng ''em'' và gọi ''thầy'' với Ban giám hiệu nhà trường.

“Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường em xin phép được các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của trường. Trong buổi lễ, thầy cô cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng”, thầy Kiên nhắc lại lời Tổng Bí thư khi ấy.

Năm 2019, người học trò Nguyễn Phú Trọng cũng gây xúc động với lá thư viết tay gửi cô giáo thời tiểu học. Bức thư viết bằng mực xanh, rất ngắn gọn, giản dị gửi lời chúc đến cô giáo cũ dịp đón Xuân Kỷ Hợi. Cuối bức thư đề giản dị “Học trò cũ của cô”, kèm lời tri ân: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

Trước đó, Tổng Bí thư đã cất công tìm kiếm cô giáo cũ rất lâu. Khi tìm lại được cô, Tổng Bí thư đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi và thường gửi thư kính thăm mỗi dịp Lễ, Tết hàng năm.

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong4.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp lại thầy giáo chủ nhiệm (người đứng thứ 2 từ phải qua) tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Lên đại học, Tổng Bí thư học khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQG Hà Nội). Do vậy, đây cũng là nơi ông gửi gắm tình cảm đặc biệt.

Lần đầu tiên về thăm ĐHQG Hà Nội là khi Tổng Bí thư đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐH Đông Dương tiền thân của ĐHQG Hà Nội (16/05/1906 - 16/05/2006) và đón nhận Huân chương Sao vàng.

4 năm sau, ngày 16/11/2010, khi ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã về thăm và gặp mặt thân mật các lãnh đạo, thầy cô giáo của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

TBT nguyen Phu Trong by VNU.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, khóa 8, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội). Ảnh: Phòng truyền thống ĐHQG Hà Nội (nguồn: VNU).

Ngày 9/12/2013, ĐHQG Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 – 10/12/2013),Tổng Bí thư đã về dự, thăm phòng truyền thống.

Dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG Hà Nội (10/12/1993 – 10/12/2023) và 117 năm truyền thống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư chúc mừng gửi ĐHQG Hà Nội.

Hiện nay, phòng Truyền thống của ĐHQG Hà Nội còn giữ những tấm ảnh thời sinh viên và quyển luận văn tốt nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội