A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn bị tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ -  Bên cạnh ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, học sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng.

Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, không ít sĩ tử rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Điều này có thể dẫn đến suy giảm khả năng tập trung, kết quả học tập và thi cử. Do đó, bên cạnh ôn luyện kiến thức, học sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi quan trọng.

Cân bằng học tập và nghỉ ngơi

Sau khi kết thúc 3 tiếng tự học tại nhà buổi chiều, Phạm Hồng Khánh, học sinh lớp 12 Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định rời bàn học, đi tới công viên gần nhà để tập thể dục. Đều đặn mỗi ngày, vào khoảng thời gian 4-5 giờ chiều, nữ sinh sẽ ra ngoài trời hít thở, vận động nhẹ nhàng hoặc chạy bộ.

Hồng Khánh chia sẻ: “Việc vận động giúp em giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng sau một thời gian dài ngồi học tập trung. Em thường chọn ra ngoài trời vận động cũng để tăng cường sức khoẻ”.

Theo Hồng Khánh, việc cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi là những điều thầy cô giáo luôn dặn dò trước các kỳ thi quan trọng. Việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế cũng mang hai nghĩa là chuẩn bị kiến thức và chuẩn bị tinh thần. Do đó, nữ sinh cố gắng vận động mỗi khi có thời gian rảnh để bản thân không rơi vào căng thẳng, áp lực kéo dài.

Bên cạnh tập thể dục, Hồng Khánh thường xem phim hài, nghe nhạc, hạn chế sử dụng mạng xã hội hoặc tiếp nhận thông tin giật gân, tiêu cực từ Internet. Ngoài thời gian tự học, em học nhóm cùng bạn bè. Năng lượng tích cực và tinh thần chăm chỉ của các bạn giống như nguồn động viên, khích lệ để nữ sinh tiếp tục cố gắng ôn luyện.

×

Chuẩn bị tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023  ảnh 1

Trước các kỳ thi quan trọng, học sinh cần cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi. Ảnh: INT.

Chị Nguyễn Lan Anh, mẹ của nữ sinh Phạm Hồng Khánh, cho biết: Từ lớp 10, cô giáo chủ nhiệm đã trao đổi với phụ huynh về những áp lực học đường, áp lực thi cử mà học sinh dễ mắc phải, trong đó có nguyên nhân từ kỳ vọng quá lớn của gia đình. Vì thế, tôi tìm cách trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn để tìm hiểu con thích gì, muốn gì hoặc gặp khó khăn ở đâu.

Theo chị Lan Anh, vợ chồng chị thống nhất không đặt kỳ vọng con phải đỗ trường này trường kia theo ý của bố mẹ mà cho con quyền chọn nguyện vọng theo sở thích và năng lực. Song song, chị cũng theo dõi chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho con.

Những ngày con mải mê ôn tập đến tận khuya, vợ chồng chị cũng động viên con ngủ sớm để không ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt và khả năng tập trung. Nếu con gặp điểm kém, anh chị cũng an ủi, khích lệ con cố gắng vào lần sau thay vì quở trách.

Chuẩn bị tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023  ảnh 2

Đàm Văn Hiển (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo chủ nhiệm và bạn bè. Ảnh: NVCC.

Giảm áp lực thi cử

Là thủ khoa khối A01 của tỉnh Hưng Yên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, em Đàm Văn Hiển chia sẻ để giảm áp lực thi cử, nam sinh duy trì thói quen cân bằng giữa học tập và vui chơi. Mỗi buổi tối, sau khoảng một tiếng tự học, Hiển sẽ nghe nhạc hoặc vận động trong 5 – 10 phút để đầu óc được thư giãn.

“Ngoài thời gian học, em thích chơi thể thao như bóng chuyền, tập thể dục... Em cũng hay nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè để xua đi căng thẳng”, nam sinh nói thêm.

Chuẩn bị tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023  ảnh 3

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Mạnh Linh. Ảnh: NVCC.

Có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng học sinh trước các kỳ thi quan trọng, chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực thi cử. Trong đó có thể kể đến như kỳ vọng của gia đình, kỳ vọng của bản thân học sinh, thiếu sự quan tâm và hiểu đúng về tâm lý lứa tuổi...

Tuy nhiên, dù với lý do nào, áp lực thi cử sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất của học sinh như khiến các em căng thẳng, giảm khả năng tập trung, sa sút trí nhớ... Ngoài ra, áp lực cũng tác động lên sức khoẻ thể chất. Càng gần đến ngày thi, các sĩ tử có thể căng thẳng đến mất ăn mất ngủ, đau đầu, đau bụng...

Theo chuyên gia này, trong giai đoạn nước rút hiện nay, học sinh nên duy trì trạng thái tâm lý bình tĩnh bằng nhiều cách như phân chia và sắp xếp công việc hợp lý; tìm ra điểm chưa tốt nhưng không phải để lo lắng mà để khắc phục. Nếu việc ôn tập quá áp lực, học sinh hãy tự động viên bản thân rằng “mọi khó khăn đều có thể vượt qua” hoặc bằng những câu nói truyền cảm hứng khác. Điều quan trọng mà các em cần ghi nhớ là giữ vững niềm tin vào bản thân.

Ngoài ra, việc ôn luyện khoa học, có lộ trình cũng là một cách giúp giảm áp lực thi cử. Đàm Văn Hiển gợi ý, học sinh THPT nên xác định mục tiêu và định hướng ngành nghề sớm để xây dựng lộ trình phấn đấu. Trong năm học, các bạn nên tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức, tránh tâm lý gần đến lúc thi mới học hay chỉ học những kiến thức quan trọng. Đến giai đoạn nước rút, nếu đã nắm chắc kiến thức, thí sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn và làm chủ việc ôn luyện.

Theo nguồn: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-tam-ly-buoc-vao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-post637239.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội