A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bóng cười - người khóc

GD&TĐ - Theo giải thích của các chuyên gia chuyên nghiên cứu về các chất gây kích thích, bóng cười là một quả bóng bay được bơm khí N2O.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa hôm 25/9 cho biết, Khoa Thần kinh - Đột quỵ của bệnh viện này vừa tiếp nhận điều trị một nữ bệnh nhân 19 tuổi bị tổn thương cổ ngang, tê bì chân tay, đi lại khó khăn do ngộ độc khí N2O sau một thời gian dài sử dụng bóng cười. Bệnh nhân cho biết, đã sử dụng bóng cười liên tục 4 tháng nay với số lượng 5 bình/ngày, một bình tương đương 20 quả, tức khoảng 100 quả bóng cười mỗi ngày.

Trước đó hai hôm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 25 tuổi quê Hải Phòng, bị ngộ độc N2O sau thời gian dài hít bóng cười. Khoảng hai tháng trước ngày nhập viện, thanh niên này có sử dụng số lượng lớn bóng cười với khoảng 200 quả/ngày.

Thấy sức khỏe ngày càng tồi tệ, người nhà bệnh nhân đã mời nhân viên y tế đến truyền dịch trong nhiều ngày liền nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên phải đưa đi bệnh viện.

Nam thanh niên này cho biết, anh từng là một “đại lý” chuyên cung cấp khí N2O để bơm vào bong bóng cho các nhà hàng, quán bar khi có yêu cầu. Anh ta “thử” dùng một thời gian rồi thành “con nghiện” lúc nào không biết cho đến khi nhập viện.

Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương vùng tủy cổ. Theo các chuyên gia y tế, cổ là vùng dẫn truyền thần kinh từ não đến toàn bộ cơ thể nên khi tổn thương sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo giải thích của các chuyên gia chuyên nghiên cứu về các chất gây kích thích, bóng cười là một quả bóng bay được bơm khí N2O. Đây là một loại khí được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, có tác dụng giảm đau, an thần. Khi hít khí N2O, con người rơi vào trạng thái bị kích thích, phấn khích, ảo giác gây cười. Chính vì vậy, một số thanh niên lạm dụng đặc tính này cho mục đích giải trí.

Từ chỗ “thấy vui vui vì được cười” mỗi khi sử dụng, nhiều thanh niên trở thành “con nghiện” lúc nào không biết. Nếu lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, có trường hợp tử vong do ngộ độc cấp. Thậm chí, nếu chỉ sử dụng ở mức độ ít thì trí tuệ cũng không còn bình thường được nữa. Có thể nói, bóng cười nguy hiểm đến mức chỉ đứng sau ma túy mà thôi.

Khí N2O được nhập lậu bằng đủ phương cách, sản xuất bong bóng cười rồi bán cho người sử dụng khá công khai, đặc biệt cho giới trẻ trong các trường học. Đứng trước nguy cơ bóng cười sẽ làm băng hoại thế hệ trẻ, chính quyền các cấp đã vào cuộc nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này. Gần đây, công an và lực lượng phòng chống ma túy đã phát hiện nhiều vụ tàng trữ khí N20 và một số vụ cũng đã được khởi tố.

Tại một số nước, N2O được xem là chất có hoạt chất tâm thần phải được kiểm soát chặt chẽ và đưa vào danh mục chất cùng nhóm với nhóm ma túy, không cho sử dụng tự do dạng giải trí.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí N2O, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích như bóng cười.

Các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ con em nếu thấy có những biểu hiện khác thường khi sử dụng bóng cười để “vui một tí”. Vì bóng cười mà không kiểm soát thì người sẽ khóc đấy thôi.

Theo nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bong-cuoi-nguoi-khoc-post655817.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội