Những chuyện hi hữu trong thế giới y học
GD&TĐ - Không ăn trong 382 ngày, sống không có trái tim hơn 500 ngày... là một vài trong những chuyện kỳ lạ trong thế giới y học.
Không ăn trong 382 ngày, sống không có trái tim hơn 500 ngày và có thai và sinh con ở cả hai tử cung là một vài trong những chuyện kỳ lạ trong thế giới y học khiến các chuyên gia bối rối.
Nhịn ăn 382 ngày
Angus Barbieri sinh ra ở Scotland vào cuối những năm 1930. Ngoài công việc tại cửa hàng bán cá và khoai tây chiên của cha mình, anh có cuộc sống khép kín với mọi người xung quanh.
Ở tuổi 27, Barbieri nặng 207 kg. Anh mắc chứng nghiện ăn và luôn mệt mỏi vì thừa cân, béo phì. Quyết tâm giảm cân, anh tìm đến các bác sĩ ở Bệnh viện Hoàng gia Dundee để nhờ tư vấn.
Ban đầu, các bác sĩ chỉ định một thời gian nhịn ăn ngắn, trong đó Barbieri sẽ không ăn bất kỳ thức ăn đặc nào. Nhưng sau khoảng thời gian này, anh lại muốn nhịn ăn tiếp tục. Các bác sĩ đồng ý với điều kiện anh phải chịu sự giám sát y tế chặt chẽ.
Barbieri được kê đơn vitamin tổng hợp, bao gồm kali, natri và men để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt. Bên cạnh các chất bổ sung, anh còn sống nhờ vào đồ uống ít calo, hoặc không chứa calo như cà phê đen, trà và nước có ga.
Barbieri dành phần lớn thời gian nhịn ăn ở nhà, nhưng thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra, đôi khi ở lại qua đêm để các bác sĩ có thể theo dõi nhằm can thiệp kịp thời. Điều đáng kinh ngạc là ngoài việc có lượng đường trong máu thấp, dường như không có bất kỳ tác động tiêu cực nào, cơ thể của anh hoàn toàn ổn. Do không ăn thức ăn đặc nên anh chỉ cần đi vệ sinh 40 đến 50 ngày một lần.
Vào tháng 7/1966, sau một năm 17 ngày hoàn toàn không có thức ăn đặc, Angus Barbieri đã đạt được cân nặng theo mục tiêu là 80 kg, giảm được 125 kg.
Sự biến đổi của Barbieri thật đáng chú ý. Mọi người gần như không thể nhận ra anh sau khi nhịn ăn. Vào thời điểm qua đời vào năm 1990, anh giữ mức cân nặng mong muốn, chỉ 89 kg.
Angus Barbieri được ghi tên vào Sách kỷ lục Guinness thế giới vào năm 1971 vì đã hoàn thành cuộc nhịn ăn dài nhất thế giới. Nhưng kể từ đó, tổ chức này quyết định không công nhận các kỷ lục liên quan đến việc nhịn ăn để không khuyến khích các hành vi không an toàn.
Các nhà khoa học cho biết, trong thời gian nhịn ăn, cơ thể của Angus Barbieri sử dụng chất béo dự trữ để lấy năng lượng, thông qua một quá trình gọi là “tự thực bào” (Autophagy), trong đó các tế bào “dọn sạch” những phân tử không cần đến hoặc bất thường trong cơ thể.
Tự thực bào có thể được kích hoạt bằng cách nhịn ăn. Trong thời gian nhịn ăn, các tế bào trong cơ thể bị căng thẳng, buộc chúng phải hoạt động hiệu quả hơn. Để làm được điều này, chúng có thể loại bỏ những phần không cần thiết hoặc bị hư hỏng. Trong trường hợp của Barbieri, sự khắc nghiệt của việc nhịn ăn khiến các tế bào của anh ta phải chịu áp lực vô cùng lớn, có khả năng gây ra tự thực.
Các nghiên cứu gần đây về tự thực bào cho thấy, nó có thể có tác động tích cực đến các tình trạng sức khỏe khác. Các nghiên cứu vào năm 2019 và 2020 cho thấy, quá trình này có thể giúp cải thiện các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như tổn thương gan do rượu hoặc ma túy và bệnh Wilson. Nó cũng có thể giúp ích cho chức năng miễn dịch bằng cách làm sạch độc tố.
Tuy nhiên, tự thực bào không phải là không có rủi ro. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, mặc dù quá trình này có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư nhưng nó cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của chúng. Ngoài ra, khi được gây ra bằng cách nhịn ăn, nó có thể không nhắm mục tiêu cụ thể vào các tế bào mỡ. Các nghiên cứu khác cho thấy có nguy cơ tự thực bào ảnh hưởng đến các tế bào trong não và tim.
Trong trường hợp của Angus Barbieri, việc nhịn ăn dường như có rất ít ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nhưng các nghiên cứu về những lần nhịn ăn khác được thực hiện cùng thời điểm cho thấy những người khác không may mắn như vậy. Một số bệnh nhân nhịn ăn trong thời gian dài thường bị suy tim, một số chết vì đói.
Nhịn ăn về mặt y học thường được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường để giảm tình trạng kháng insulin và giảm lượng đường trong máu. Và đối với những bệnh nhân thừa cân lâm sàng, nhịn ăn có thể là một cách hiệu quả để giảm cân nhanh chóng, mặc dù điều quan trọng cần lưu ý là bất kỳ ai muốn thử nhịn ăn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không thực hiện một cách an toàn, kể cả tử vong, đau tim.
Mặc dù, câu chuyện của Angus Barbieri chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho những người béo phì nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyên bạn không nên nhịn ăn lâu hơn 40 ngày. Tóm lại, đừng bao giờ thử điều này ở nhà!
Sống không tim trong 555 ngày
Stan Larkin ở Michigan (Mỹ) là người đàn ông đầu tiên sống không có trái tim suốt 555 ngày bên ngoài bệnh viện! Với sự trợ giúp của một thiết bị độc đáo và chiếc ba lô, anh không chỉ có thể sống, mà còn phát triển cơ thể một cách bình thường.
Stan Larkin là một chàng trai khỏe mạnh, cho đến năm 16 tuổi thì bị ngã trong một trận đấu bóng rổ. Kết quả chẩn đoán cho thấy anh mắc một căn bệnh di truyền được gọi là bệnh giãn cơ tim. Anh trai Dominique, 24 tuổi của anh cũng mắc phải tình trạng tương tự.
Bệnh này xảy ra khi cơ tim căng và mở rộng diện tích hở của ít nhất một buồng tim, làm giảm hiệu quả bơm máu của cơ quan này. Stan và Dominique mắc chứng loạn sản tâm thất phải, một dạng bệnh cơ tim, dẫn đến suy tim và rối loạn nhịp tim ở cả hai bên.
Cả hai được trang bị thiết bị tim nhân tạo vào năm 2014. Dominique phải nằm viện sáu tuần trước khi được cấy ghép. Riêng Larkin được các bác sĩ cho biết là ứng viên hoàn hảo có thể sống bên ngoài bệnh viện, với thiết bị tim nhân tạo toàn phần (TAH) tạm thời SynCardia gắn trên cơ thể và nguồn điện từ thiết bị trong một ba lô.
Stan Larkin và tim nhân tạo. |
Trái tim nhân tạo SynCardia được thiết kế mô phỏng các chức năng trái tim tự nhiên của con người, thay thế hoàn toàn trái tim đang suy yếu của Larkin, bao gồm các ngăn và bốn van. Hai ống thoát ra bên trái cơ thể từ bên dưới lồng xương sườn, nối trái tim nhân tạo với một cỗ máy nặng 5,8 kg có tên là “Freedom Driver”.
Freedom Driver cung cấp cho trái tim nhân tạo cả năng lượng và khí nén. Không khí này được đưa đến tâm thất, giúp máu được bơm vào cơ thể. Để trở thành người sống không có trái tim trong hơn 500 ngày, Stan phải mang Freedom Driver trong ba lô để đảm bảo nó vẫn được kết nối không ngừng nghỉ.
Ngay cả với một thiết bị phức tạp như vậy gắn liền với mình, Stan vẫn phát triển mạnh mẽ và tận hưởng một cuộc sống sôi động. Từ việc lái xe, cho đến quay trở lại sân bóng rổ, anh vẫn hoạt động tích cực trong suốt thời gian gắn bó với SynCardia TAH.
Stan có một cuộc sống gần như bình thường khi gắn bó với SynCardia TAH, nhưng đó chỉ là một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi ca ghép tim thực sự. Rất may, vào ngày 9/5/2016, anh đã nhận được trái tim của người hiến tặng và trải qua ca phẫu thuật cấy ghép hoàn toàn thành công.
Mặc dù ghép tim có thể giúp tăng tỷ lệ sống sót cho những người mắc bệnh tim mạch nhưng đây không phải là phương pháp chữa trị suốt đời. Bệnh nhân sẽ phải tái khám nhiều lần và dùng thuốc trong thời gian dài để đảm bảo tình trạng không trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, những câu chuyện như của Stan Larkin và những tuyệt tác y học như SynCardia TAH là dấu hiệu cho thấy mọi người nên giữ thái độ lạc quan ngay cả khi đối mặt với tình trạng nguy cấp về y học.
Có thai cùng lúc ở hai tử cung
Mắc tình trạng hiếm gặp, có tên là “tử cung kép”, Kelsey Hatcher, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Alabama, Mỹ, mang thai hai bé gái và mỗi thai nhi phát triển trong một tử cung riêng biệt.
Khi Kelsey Hatcher 17 tuổi, cô được chẩn đoán có tử cung kép, một tình trạng chỉ ảnh hưởng đến 0,3% dân số. Tỷ lệ mang thai ở cả hai tử cung cùng một lúc thậm chí còn hiếm hơn – chưa tới “một phần triệu”.
Bác sĩ sản phụ khoa Shweta Patel điều trị cho Hatcher, cho biết: “Trong quá trình hành nghề, chúng tôi chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì như thế này”. Trường hợp của Hatcher cũng rất hiếm, ngay cả với những người mắc bệnh tử cung kép, khi cô có hai tử cung phát triển và hoạt động đầy đủ.
Theo Patel, nhiều người mắc tình trạng này chỉ có một tử cung đầy đủ chức năng. Cô nói: “Không có chuyên gia nào biết cách xử lý một bệnh nhân có hai tử cung, mỗi tử cung có một em bé. Vì vậy, chúng tôi thực sự đang dựa vào cách giảng dạy cơ bản, kiến thức cơ bản cũng như sinh lý bình thường của thai kỳ và áp dụng nó vào tình huống của sản phụ”.
Hatcher và chồng cô, Caleb, đã là cha mẹ của ba đứa con và nghĩ rằng họ đã hoàn thành việc phát triển gia đình. Tuy nhiên, vào đầu năm 2023, cô phát hiện mình có thai và choáng váng khi siêu âm đầu tiên cho thấy hai bào thai đang phát triển - mỗi bào thai ở mỗi tử cung.
Đây là các ca thụ thai riêng biệt, nhưng đội ngũ y tế của Hatcher vẫn chăm sóc các thai nhi như thể chúng là một cặp song sinh. Theo Patel, đây là một trường hợp hiếm gặp khi cả hai buồng trứng của Hatcher đều rụng trứng vào cùng một thời điểm. Hai quả trứng sau đó đều được thụ tinh và mỗi quả bám vào một tử cung.
Kelsey Hatcher và hai đứa trẻ ra đời từ hai tử cung riêng biệt. |
Tuy nhiên, vì Hatcher có hai cổ tử cung và hai tử cung nên “cặp song sinh” có thể được sinh ra vào những thời điểm riêng biệt, nếu một tử cung bắt đầu co bóp còn tử cung kia thì không. Ngày ra đời của chúng về mặt kỹ thuật có thể cách nhau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần, mặc dù các bác sĩ có thể sẽ can thiệp trong trường hợp như vậy.
Patel cho biết, cô và các thành viên còn lại trong đội ngũ chăm sóc y tế của Hatcher đang xem xét tất cả các lựa chọn khi sản phụ sinh con, bao gồm cả sinh mổ cho một hoặc cả hai em bé. Tuy nhiên, sinh mổ sẽ có nguy cơ mất máu cao hơn trong trường hợp của Hatcher, vì các vết cắt sẽ phải được thực hiện ở cả hai tử cung của cô.
Sau khi mang thai 39 tuần, cặp song sinh ở hai tử cung riêng rẽ đã chào đời. Bé Roxi Layla sinh qua đường âm đạo vào lúc 7 giờ 49 phút tối 19/12/2023, còn em gái Rebel sinh qua đường mổ vào lúc 6 giờ 9 phút sáng ngày hôm sau. Cả hai đều khỏe mạnh.
Kelsey Hatcher đã sinh con ba lần trước đó mà không gặp sự cố nào: Những đứa con khác của cô hiện đã 7, 4 và 2 tuổi. Mặc dù, việc mang thai đôi này là một điều bất ngờ và phần lớn là chưa từng có, nhưng vợ chồng Hatcher vẫn rất vui mừng đón nhận cặp song sinh vào mái ấm của mình.
Theo Allthatsinteresting; Unbelievable
-
Ngày ban hành: (25/10/2024) - Ngày hiệu lực: (24/08/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (29/08/2024) - Ngày hiệu lực: (28/08/2024)
-
Ngày ban hành: (03/01/2024) - Ngày hiệu lực: (12/02/2024)
-
Ngày ban hành: (09/09/2023)
-
Ngày ban hành: (14/06/2023) - Ngày hiệu lực: (13/06/2023)
-
Ngày ban hành: (13/06/2023) - Ngày hiệu lực: (28/04/2023)
-
Ngày ban hành: (04/06/2023)
-
Ngày ban hành: (02/06/2023) - Ngày hiệu lực: (02/06/2023)
-
Ngày ban hành: (21/02/2023) - Ngày hiệu lực: (09/01/2023)