Sinh viên ngành Y cần kỹ năng gì?
GD&TĐ - Các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này rất chú trọng đến thời gian học thực hành để tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, động viên sinh viên chú ý học ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu phục vụ cho học tập và làm việc sau này.
Không để bản thân bị động
Nguyễn Trung Trực, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (TP Cần Thơ) dù mới là sinh viên năm nhất, nhưng để chuẩn bị hành trang vững chắc sau khi tốt nghiệp, em đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho từng năm học, tích lũy kinh nghiệm cũng như tránh tình trạng hổng kiến thức.
Trực chia sẻ: “Trong hai năm đầu, em sẽ cố gắng học tốt chương trình đại cương, tận dụng tối đa thời gian được học tại phòng thực hành để nghiên cứu. Cũng trong hai năm này em cố gắng rèn luyện thêm tiếng Anh nhằm có thể đọc và nghiên cứu tài liệu y học nước ngoài.
Đến năm thứ 3, ngoài những tiết học lâm sàng tại các bệnh viện, em sẽ cố gắng phân bổ thời gian cuối tuần đi học việc tại các phòng khám, tham gia các hoạt động khám, tư vấn bệnh miễn phí để học hỏi thêm các ca bệnh khó”.
Còn Nguyễn Thị Thúy, sinh viên năm thứ 4 Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (Hà Nội), chia sẻ: “Hiện nay, em đã không còn đi làm thêm nữa mà tập trung cao độ vào việc học để sau khi ra trường có cơ hội xin vào một bệnh viện ở Hà Nội làm việc”.
“Quá trình này đối với em rất quý giá, em sẽ cố tận dụng để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các ca bệnh từ dễ đến khó. Đồng thời, em cũng học cách xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân”, Thúy chia sẻ.
Thúy cho biết thêm, mặc dù nguồn nhân lực cho ngành Y tế hiện nay đang thiếu, nhưng nếu người tốt nghiệp không có chuyên môn, kiến thức cơ bản thì cơ hội việc làm gần như không có. Đặc biệt làm việc trong lĩnh vực y tế không cho phép mắc sai lầm. Được biết ngoài thời gian ở giảng đường, hiện Thúy đang xin học việc tại một phóng khám tư.
Cũng giống như Thúy, Hồ Phi Khánh, sinh viên năm cuối, Trường ĐH Y Hà Nội nói: “Quá trình học em không chỉ chú ý đến kiến thức, kỹ năng mà thời gian học lâm sàng, thực tập tại bệnh viện em còn quan sát cách các bác sĩ, anh chị y tá, điều dưỡng xử lý tình huống với bệnh nhân. Nhờ vậy mà em đã bỏ túi cho mình một ít kinh nghiệm để làm sao khi bệnh nhân đến với mình họ luôn cảm thấy yên tâm và thoải mái.
Trước đó, em cũng đã tận dụng thời gian nghỉ hè của mình để đi tư vấn, hỗ trợ khám bệnh cho các bệnh nhân nghèo nhằm giúp em cải thiện kỹ năng giao tiếp, nâng cao tay nghề, làm việc nhóm linh hoạt nếu không thì bệnh nhân chờ quá lâu hoặc không hài lòng”.
Bác sĩ Phạm Quang Khải công tác tại Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh NVCC. |
Chú trọng ngoại ngữ, có định hướng sớm
Bác sĩ Phạm Quang Khải, cựu sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, hiện đang công tác tại Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) đưa ra lời khuyên: Đối với sinh viên ngành Y quá trình học đòi hỏi các bạn phải nắm vững kiến thức cơ sở, tối kỵ học lệch dẫn đến mất gốc sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, các bạn nên tích cực tham gia các buổi học lâm sàng để rèn luyện kỹ năng khám bệnh, tiếp xúc bệnh nhân. Ngoài ra, các tiết học này giúp các bạn sinh viên ngành Y biết được cách làm việc tại các khoa, phòng của bệnh viện tránh bị bỡ ngỡ sau khi ra đi làm thực tế.
Bác sĩ Khải cũng lưu ý, đối với sinh viên nói chung và sinh viên ngành Y nói riêng, các bạn cần có định hướng sớm cho bản thân để trang bị các kỹ năng liên quan đến chuyên ngành của mình.
“Đặc thù của ngành Y là sau khi ra trường vẫn phải tiếp tục học, các bạn chưa thể làm việc độc lập ngay. Do đó, sinh viên nên tìm người hướng dẫn, chỉ dạy cách làm việc và kỹ năng sau khi tốt nghiệp. Thông qua người chỉ dạy, các bạn sẽ học hỏi ở họ không chỉ chuyên môn mà cách họ hoạch định kế hoạch cho bản thân.
Các bạn cũng cần xác định rõ, thời gian đầu khoảng 3 năm đầu mới ra trường sẽ rất vất vả, việc thường xuyên phải ăn ngủ tại khoa, bệnh viện là chuyện bình thường. Đổi lại, quãng thời gian đó rất giá trị để các bạn tích lũy kinh nghiệm, tiếp xúc các ca bệnh khó. Các bạn sẽ học được nhiều từ các bác sĩ đi trước, đồng nghiệp”, vị bác sĩ giàu kinh nghiệm chia sẻ.
Để sinh viên được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thực tế, đáp ứng được yêu cầu công việc tốt nhiều trường đã tăng thời lượng thực hành. Trường Cao đẳng Y Hà Nội trong chương trình đào tạo đã dành 60% thời gian học thực hành để nâng cao tay nghề cho sinh viên. Ông Lê Trung Hải - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Song song với việc đào tạo về chuyên môn, chúng tôi thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm nhằm trang bị tốt nhất cho sinh viên sau khi ra trường.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên thường xuyên được tập huấn, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm truyền đạt cho sinh viên có nền tảng vững chắc về lý thuyết, tập trung nâng cao tay nghề cho sinh viên thông qua việc tăng thời lượng thực hành, thực tế lâm sàng tại các cơ sở y tế, bệnh viện, khoa phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh viện…
Theo thống kê gần nhất của Bộ Y tế, nước ta có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá. Đội ngũ này bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực y tế ở các tuyến trên toàn quốc.
“Một trong những cẩm nang mà sinh viên ngành Y cần chú ý chính là ngoại ngữ. Y học phát triển từng ngày, bác sĩ phải luôn cập nhật các công nghệ mới để nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng vào khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên chưa thực sự chú trọng hoặc gần ra trường mới nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ.
Trong khi những năm cuối, kiến thức chuyên ngành, thời gian thực tập ở bệnh viện khá bận rộn do vậy các bạn nên chú ý rèn luyện ngoại ngữ từ những năm đầu mới vào trường, những năm cuối các bạn đã sử dụng thành thạo ngoại ngữ để đọc, nghiên cứu”, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E chia sẻ.
-
Ngày ban hành: (25/10/2024) - Ngày hiệu lực: (24/08/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (29/08/2024) - Ngày hiệu lực: (28/08/2024)
-
Ngày ban hành: (03/01/2024) - Ngày hiệu lực: (12/02/2024)
-
Ngày ban hành: (09/09/2023)
-
Ngày ban hành: (14/06/2023) - Ngày hiệu lực: (13/06/2023)
-
Ngày ban hành: (13/06/2023) - Ngày hiệu lực: (28/04/2023)
-
Ngày ban hành: (04/06/2023)
-
Ngày ban hành: (02/06/2023) - Ngày hiệu lực: (02/06/2023)
-
Ngày ban hành: (21/02/2023) - Ngày hiệu lực: (09/01/2023)