A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại Sao Giáo Viên Nên Thực Hành Suy Ngẫm Thường Xuyên Trong Quá Trình Giảng Dạy?

Thực hành suy ngẫm là gì?

Là giáo viên, không có một ngày nào mà chúng ta không dành thời gian để nhìn lại, suy nghĩ về học sinh và công việc của mình. Chúng ta luôn băn khoăn và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao một học sinh lại có vấn đề về hành vi trong tiết học. Hoặc tại sao một tiết học được chuẩn bị cẩn thận cuối cùng vẫn bị thất bại. Chúng ta làm việc này thường xuyên đến mức, đôi khi không nhận ra đó chính là các thực hành suy ngẫm trong quá trình giảng dạy. Những suy ngẫm này chính là khởi đầu cho việc sử dụng thực hành suy ngẫm để phát triển bản thân và nâng cao trình độ chuyên môn.

Thực hành suy ngẫm không phải chỉ là một bài tập dành cho các giáo viên chuẩn bị hoặc mới bắt đầu công việc giảng dạy. Nó là một bài tập liên tục trong suốt quá trình giảng dạy đối với tất cả giáo viên. Thực hành suy ngẫm là khi chúng ta nhìn lại và phân tích lớp học của mình từ góc độ bên ngoài. Chúng ta cũng có thể làm điều này bằng cách nghiên cứu về các thông tin, dữ liệu và kết quả học tập của học sinh. Ngoài ra, giáo viên có thể viết nhật ký sau mỗi bài học để xác định những điểm tích cực, hạn chế và những điều cần thay đổi.

Lợi ích của Thực hành suy ngẫm là gì?

Có rất nhiều lợi ích từ thực hành suy ngẫm. Những giáo viên thường xuyên có thói quen suy ngẫm về việc giảng dạy có thể tự cải thiện, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Họ có thể giúp ban giám hiệu quyết định và lựa chọn các hoạt động phát triển chuyên môn phù hợp cho cộng đồng trường học. Khi giáo viên tham gia vào thực hành suy ngẫm, họ có thể dễ dàng thích nghi với mọi sự thay đổi trong quá trình giảng dạy.

Thực hành suy ngẫm thúc đẩy giáo viên cập nhật kế hoạch bài học để đáp ứng nhu cầu hiện tại của học sinh. Mỗi năm, giáo viên sẽ làm việc với các đối tượng học sinh khác nhau. Mỗi học sinh sẽ có những nhu cầu, sở thích, hứng thú và phong cách học tập khác so với các em học sinh năm trước. Việc thực hành suy ngẫm và điều chỉnh sẽ giúp chúng ta thu hút được sự tham gia của tất cả học sinh.

Làm thế nào để bắt đầu với thực hành suy ngẫm

  1. Viết nhật ký

Để bắt đầu việc thực hành suy ngẫm bạn không cần phải làm những điều quá phức tạp hay đao to búa lớn. Như đã nói ở trên, hãy dành chút thời gian và viết nhật ký vào cuối ngày học (hoặc thậm chí giữa các tiết học). Bằng cách viết ra và dành thời gian để suy nghĩ về mọi thứ đã xảy ra trong quá trình giảng dạy, bạn sẽ có thể quyết định những điểm nào cần thay đổi và những điều gì bạn đã làm tốt.

  1. Dự giờ đồng nghiệp

Một cách khác để bắt đầu thực hành suy ngẫm là hỏi một đồng nghiệp nào đó mà bạn có mối quan hệ thân thiết và mời họ cùng thực hành suy ngẫm với bạn. Tiến hành việc dự giờ lẫn nhau (không nhất thiết phải cùng bộ môn) sẽ mang đến cho mỗi giáo viên một quan điểm khác về bài học và cơ hội để học hỏi những ý tưởng mới từ đồng nghiệp.

  1. Nghiên cứu lý thuyết mới

Đã bao nhiêu lâu bạn không đọc một cuốn sách về khoa học giáo dục? Đã bao lâu rồi bạn không điều chỉnh hay thay đổi phương pháp giảng dạy. Có thể các tiết học của bạn vẫn rất thành công, học sinh cũng rất hứng thú và việc giảng dạy vẫn mang lại hiệu quả, nhưng vạn vẫn nên dành thời gian để nghiên cứu những lý thuyết giáo dục mới. Nghiên cứu những lý thuyết này là bước đầu tiên, nhưng sau đó bạn phải dành thời gian để áp dụng những lý thuyết này vào thực tiễn của mình. Thử các chiến lược mới và tất nhiên sau đó suy ngẫm về chúng sẽ khiến bạn trở thành một giáo viên của thế kỉ XXI.

  1. Phát triển chương trình giảng dạy

Phát triển chương trình giảng dạy là một cách khác để tham gia vào thực hành suy ngẫm. Giáo viên thường phàn nàn về chương trình giảng dạy mới, nhưng rất ít khi họ dành thời gian đủ lâu để nghiên cứu một cách cẩn thận kĩ lưỡng và chủ động điều chỉnh những điểm chưa hợp lý của chương trình. Điều này giúp cho giáo viên có thể nâng cao được trình độ chuyên môn, trở thành chuyên gia trong chính môn học mà mình đang giảng dạy. Bằng việc thực hành suy ngẫm, bạn cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm của chính mình cho các đồng nghiệp. Đồng thời giúp cho trường học và địa phương xây dựng được các chương trình giảng dạy phù hợp.

  1. Khảo sát học sinh

Tiến hành khảo sát học sinh cũng là một cách hiệu quả để thực hành suy ngẫm. Điều này không cần phải tốn thời gian, công cức. Khi kết thúc một bài học hoặc chương, sau khi hoàn thành các bài kiểm tra và dự án, hãy yêu cầu học sinh suy ngẫm về những gì đã được thực hiện. Yêu cầu học sinh chia sẻ trung thực, thẳng thắn về những điểm các em cảm thấy thích và không thích. Nhưng quan trọng nhất là hỏi học sinh tại sao chúng lại thích một hoạt động này và tại sao lại không thích hoạt động kia.

Hiểu những gì học sinh của bạn đang nghĩ có thể giúp bạn tạo các kế hoạch bài học trong tương lai và thay đổi các bài học trước đây. Nếu phần lớn phản hồi của học sinh đề cập đến việc chúng không thích bài kiểm tra vì chúng cảm thấy chưa chuẩn bị, thì điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần phải điều chỉnh. Những điều này rất đơn giản và hiệu quả và không khiến giáo viên cảm thấy áp lực hoặc khó chịu với những nhận xét của học sinh. Điều đặc biệt quan trọng là học sinh biết rằng bạn sẽ không bị tổn thương bởi những nhận xét của chúng.

  1. Tham vào quá trình thay đổi trường học

Thực hành suy ngẫm cũng có thể là khi giáo viên tham gia vào việc thay đổi trường học. Thực hành suy ngẫm là nhận thức được những gì hiệu quả và không hiệu quả trong lớp học của bạn cũng như trong toàn trường. Trao đổi với các giáo viên đồng nghiệp về các vấn đề mà họ có thể đang gặp phải và sau đó nghiên cứu các giải pháp để khắc phục. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng nhà trường. Cố gắng tìm giải pháp cho các vấn đề trong cả lớp học và trường học chính là quá trình thực hành suy ngẫm.

Cuối cùng, thực hành suy ngẫm là con đường để trở thành người GIÁO VIÊN HIỆU QUẢ. Một người giáo viên thực hành suy ngẫm thường xuyên có thể đối mặt với các vấn đề phức tạp và không bị đe dọa bởi sự thay đổi. Họ luôn linh hoạt và kiên nhẫn. Họ luôn học hỏi những kỹ thuật mới và chia sẻ những kỹ thuật đó với các giáo viên khác. Họ tò mò và muốn học hỏi từ những người khác. Họ không xem xét những lời nhận xét, góp ý một cách tiêu cực mà coi đó là cách để cải thiện việc giảng dạy và tiếp cận học sinh của mình. Giáo viên có khả năng suy ngẫm luôn sử dụng thời gian của họ một cách hiệu quả và liên tục có sự phát triển bản thân.

Theo nguồn: https://taogiaoduc.vn/tai-sao-giao-vien-nen-thuc-hanh-suy-ngam-thuong-xuyen-trong-qua-trinh-giang-day/


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội