Hiệu quả từ hướng nghiệp: Chọn ngành vì 'hot' hay yêu thích?
GD&TĐ - Chọn ngành rộng hay ngành hẹp khi thị trường lao động liên tục biến đổi... là băn khoăn của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
Chạy theo ngành “hot”
Ngành học được cho là “hot” những năm gần đây luôn thu hút đông đảo thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh gồm: Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Dịch vụ y tế, Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Báo chí, Sư phạm... Những ngành học này nhiều năm qua có điểm chuẩn cao ở các trường.
Qua tìm hiểu thông tin, Nguyễn Đăng Hùng - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) biết ngành Công nghệ thông tin ra trường dễ kiếm việc làm nên sẽ lựa chọn ngành này để đăng ký xét tuyển. Dù biết đây là ngành “hot”, điểm đầu vào cao nhưng Hùng cố gắng ôn tập để thi đỗ.
Chị Nguyễn Thị Bình - phụ huynh học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, những trường lấy điểm cao sẽ thu hút được học sinh giỏi, đồng nghĩa với cơ hội việc làm cao. Qua tìm hiểu thông tin, gia đình đã định hướng cho con thi vào Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh về việc có nên chạy theo ngành “hot”, lãnh đạo các trường đại học cho rằng thí sinh cần xác định việc chọn nghề liên quan đến tương lai rất dài trong khi ngành “hot” lại chỉ mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, cần dựa trên năng lực và sở thích của mình.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.
“Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên để theo đuổi ngành mình yêu thích”, ông Thảo nói.
Đây cũng là chia sẻ của TS Phan Đình Quyết - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Thương mại. Theo ông Quyết, ngành “hot” chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5 - 10 năm. Nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê nên kết quả học tập sẽ tốt.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa có lời khuyên thêm dành cho thí sinh: Đừng thấy ngành nào đang “hot”, có nhu cầu mà thi nhau vào. Ngành học “hot”, nhưng bản thân mình có “hot”, có học tốt hay không mới là điều quan trọng.
“Tôi nghĩ, các em không nên chạy theo ngành “hot”. Trước khi chọn ngành nghề, cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành không? Ngành có phát triển không? Học phí ngành có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với năng lực học tập”, ông Khánh chia sẻ.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tư vấn cho một phụ huynh Trường THPT Cao Bá Quát. Ảnh: Vân Anh |
Cơ hội cho ngành hẹp?
Khảo sát về xu hướng chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển vào các trường đại học những năm gần đây cho thấy, phần lớn hồ sơ xét tuyển sớm của thí sinh đều nộp vào nhóm ngành “hot”. Số hồ sơ quan tâm đến ngành đặc thù, chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thủy sản, môi trường, khoa học tự nhiên không nhiều, dù nhóm ngành này có cơ hội việc làm cao.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản thường khó tuyển sinh. Như ngành Hải dương học năm trước chỉ tuyển được 2 sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn cũng tuyển được khoảng 10 em.
Khoa học cơ bản là nền tảng của một quốc gia nhưng do đặc thù nằm trong hệ thống Nhà nước nên cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp không cao. Với suy nghĩ học khó, việc làm ít, thu nhập thấp khiến nhiều thí sinh quay đầu chọn ngành được cho là việc nhẹ, lương cao hơn.
ThS Phùng Quán - giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đưa ra thông tin, những năm gần đây, ngành mà trường thường xuyên tuyển không đủ chỉ tiêu phần nhiều có tên gọi khiến học sinh cảm giác công việc nặng nhọc, vất vả như: Địa chất, Hải dương học, Môi trường... Trong khi đây đều là ngành mà nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp rất cao.
Ông Quán cho rằng, chọn ngành được coi là tốp dưới thì khả năng tìm kiếm việc làm và thu nhập không bằng nhóm trên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn quyết định lựa chọn những ngành hẹp vì cho rằng cơ hội học tập rộng mở, nhận nhiều ưu đãi hơn và cơ hội việc làm không hề kém so với những ngành “hot”.
Vũ Hoàng Lâm - sinh viên Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, em lựa chọn ngành này ngoài sở thích còn quan tâm đến cơ hội việc làm, khả năng đỗ vào trường cùng những học bổng, ưu đãi học tập. Học phí của trường không lớn, lại kèm theo học bổng là một số tiền lớn có thể trang trải trong hơn một năm.
Còn Lữ Văn Quang - cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải chọn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - ngành học kém hấp dẫn thí sinh và có điểm đầu vào không cao. Nhưng Quang cho rằng, đây là lựa chọn đúng vì hiện nay nhu cầu nhân lực của ngành cao. Từ năm thứ 3, Quang được đi thực tế tại doanh nghiệp và có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương 17 triệu đồng/tháng.
Khí tượng thủy văn là ngành học tưởng như có ít cơ hội việc làm nhưng lại đang là mục tiêu săn đón, tuyển dụng của nhiều công ty với mức lương khá cao. Ông Trần Xuân Hùng - Giám đốc Công ty Cung cấp ứng dụng thời tiết WeatherPlus Service (Hà Nội) cho biết rất cần tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành này với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là ngành có ít sinh viên theo học và doanh nghiệp luôn phải đến tận trường để trực tiếp tuyển dụng.
Ông Trần Phương - chuyên gia hướng nghiệp đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đã đi vào chiều sâu và phát huy được giá trị trong công tác định hướng ngành nghề phù hợp cho học sinh.
Tuy nhiên, việc chọn lựa ngành học của phụ huynh và học sinh vẫn còn thiên về ngành “hot”, có tiếng. Do đó, phải nêu rõ được nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của ngành học, bên cạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, mới mong giải quyết được độ vênh trong tuyển sinh như hiện nay.
Theo nguồn https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-huong-nghiep-chon-nganh-vi-hot-hay-yeu-thich-post678389.html
-
Ngày ban hành: (25/10/2024) - Ngày hiệu lực: (24/08/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (29/08/2024) - Ngày hiệu lực: (28/08/2024)
-
Ngày ban hành: (03/01/2024) - Ngày hiệu lực: (12/02/2024)
-
Ngày ban hành: (09/09/2023)
-
Ngày ban hành: (14/06/2023) - Ngày hiệu lực: (13/06/2023)
-
Ngày ban hành: (13/06/2023) - Ngày hiệu lực: (28/04/2023)
-
Ngày ban hành: (04/06/2023)
-
Ngày ban hành: (02/06/2023) - Ngày hiệu lực: (02/06/2023)
-
Ngày ban hành: (21/02/2023) - Ngày hiệu lực: (09/01/2023)