GD&TĐ - Thực hiện tự chủ đại học, các cơ sở đào tạo đã và đang đổi mới hoạt động tuyển sinh.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG |
Nhờ đó, công tác này ngày càng thuận lợi, công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Đổi mới từ công tác tuyển sinh
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non được đổi mới mạnh mẽ và chưa bao giờ thuận lợi, mang đến cơ hội lớn cho học sinh như hiện nay. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học được phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh.
Trước năm 2015, học sinh chỉ được đặt 1 nguyện vọng vào 1 trường. Khi không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì cơ hội để vào trường tốt rất khó. Đến năm 2015, thí sinh có 4 nguyện vọng vào 1 trường. Năm 2016, thí sinh có thể đặt 4 nguyện vọng vào 2 trường. Từ năm 2017 trở đi, thí sinh không bị hạn chế số nguyện vọng vào các trường, ngành, chương trình đào tạo khác nhau.
Thứ trưởng nhấn mạnh, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thí sinh có thể đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên với ngành, trường yêu thích lên đầu (nguyện vọng 1) và các trường đại học sẽ tham gia xét tuyển. Bằng cách thức này, hầu hết thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng 1 theo mong ước - nguyện vọng cao nhất.
Năm nay, có 59 cơ sở giáo dục đại học tham gia nhóm xét tuyển, lọc ảo miền Bắc do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc cho hay. Từ năm ngoái, công tác tuyển sinh đã có bước tiến quan trọng, khi thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường học, không cần đăng ký theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Cách thức này tiếp tục được thực hiện trong năm nay. Nhờ đó, cả cơ sở đào tạo và thí sinh đều thấy nhẹ nhàng, thuận tiện. “Có thể khẳng định, xét tuyển đại học chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đánh giá.
Nhấn mạnh, tự chủ tuyển sinh là giải pháp căn bản, lâu dài, PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi, đây là tiền đề để ĐH Bách khoa Hà Nội kiên trì theo đuổi việc tổ chức tốt kỳ thi đánh giá tư duy. Qua đó, thí sinh có thêm kênh đánh giá thực chất, công bằng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc dự thi, giảm chi phí cho các em.
Mặt khác, kỳ thi sẽ có tác động tích cực trở lại đối với việc dạy học ở trường phổ thông, hạn chế việc học sinh học tủ, học lệch. “Kỳ thi trước hết là phục vụ nhu cầu tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, bảo đảm chọn được những sinh viên có khả năng học tập tốt nhất cho chương trình đại học và sau đại học của đơn vị”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ.
Chủ động đón đầu
Công tác tuyển sinh ngày càng ổn định và thuận tiện, là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Trước đây, công tác tuyển sinh vất vả bao nhiêu thì nay được giảm tiện bấy nhiêu; trên hết là giảm gánh nặng cho xã hội. “Công lớn là của Bộ GD&ĐT, cùng với những đóng góp vào cuộc của các đơn vị”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải ghi nhận.
Thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh với nhiều phương thức gồm: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển. Năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 2 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền dự báo sẽ có nhiều tổ hợp xét tuyển. Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét các phương thức xét tuyển sớm, ngay cả việc sử dụng điểm thi tư duy, đánh giá năng lực cũng cần cân đối về chỉ tiêu và các tổ hợp được hình thành từ các kỳ thi riêng cũng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, dự kiến các kỳ thi sẽ có một số thay đổi về nội dung và hình thức. Việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn ngành, trường học đúng sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành những mục tiêu trong năm nay cho học sinh.
Cùng với lộ trình đổi mới tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cũng chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải cho hay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã ban hành chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên năm thứ nhất.
Chương trình sẽ giúp phát triển 4 kỹ năng: Thứ nhất là kỹ năng “công dân toàn cầu”; trong đó, ngoài ngoại ngữ, quốc tế hóa, đơn vị còn trang bị cho các em kiến thức về văn hóa, xã hội, mang lại những đặc thù riêng cho sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Thứ hai liên quan tới chuyển đổi số. Hiện nay, kiến thức này là yêu cầu tối quan trọng để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong và ngoài nước.
Thứ ba liên quan tới thích ứng với sự thay đổi. Hơn bao giờ hết, thế giới đang thay đổi rất nhanh. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng này giúp các em có thể thích ứng được những biến đổi trong tương lai. Thứ tư liên quan tới đổi mới sáng tạo để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và gấp gáp. Chắc chắn cuộc cách mạng này ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định mục tiêu trở thành đại học tự chủ với mô hình tổ chức 3 cấp: Tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế. GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng chia sẻ, bước sang năm 2025, nhà trường tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, gắn kết thực tiễn với doanh nghiệp; cùng đó đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học nhằm đem lại hiệu quả cao.
“Chúng tôi cung cấp môi trường đào tạo năng động, liên thông quốc tế và tiên phong trong kỷ nguyên số với nhiều chương trình đào tạo mang tính liên ngành, hiện đại đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, GS.TS Phạm Hồng Chương trao đổi và cho biết, với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm 2025 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không sử dụng các tổ hợp xét tuyển: B00, C03, C04, D09, D10. Nhà trường chỉ áp dụng 4 tổ hợp gồm A00, A01, D01, D07 và vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, tuyển sinh phải thực chất, không phải tuyển cho đủ chỉ tiêu. Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các cơ sở đào tạo báo cáo về việc lựa chọn phương thức xét tuyển với kết quả học tập của sinh viên.
-
Ngày ban hành: (25/10/2024) - Ngày hiệu lực: (24/08/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (25/09/2024) - Ngày hiệu lực: (15/09/2024)
-
Ngày ban hành: (29/08/2024) - Ngày hiệu lực: (28/08/2024)
-
Ngày ban hành: (03/01/2024) - Ngày hiệu lực: (12/02/2024)
-
Ngày ban hành: (09/09/2023)
-
Ngày ban hành: (14/06/2023) - Ngày hiệu lực: (13/06/2023)
-
Ngày ban hành: (13/06/2023) - Ngày hiệu lực: (28/04/2023)
-
Ngày ban hành: (04/06/2023)
-
Ngày ban hành: (02/06/2023) - Ngày hiệu lực: (02/06/2023)
-
Ngày ban hành: (21/02/2023) - Ngày hiệu lực: (09/01/2023)